Một ngày bình thường tháng ba rung chuông trên bầu trời lẳng lặng bằng một thứ quê mùa. Đi giữa phố phường người ta, đi giữa nhà nhà kẻ lạ, đi giữa thênh thang tháng ba chẳng phải quê nhà, những bông hoa đỏ rực ngỡ ngàng nhà quê…
Tôi nhớ ở đâu đó trên phố Tràng Thi có những gốc gạo già nua bật những ngọn đèn màu đỏ thân thuộc, ấm lại mùa xuân, khô khan mưa phùn ẩm ướt, hợp xướng chim muông, đất trời đâu phải Hà Nội người dưng, tháng ba lung linh một thứ quê mùa.
Dẫu không phải là loại hoa quá phổ biến ở đường phố nhưng người dân Thủ đô vẫn thấy Pơ Lang là một thứ quà tặng ngọt ngào của trời đất ban những con người xa quê. Đôi khi tinh mai tỉnh giấc Mộc Miên chẳng ồn ào thắp nến giục lòng tháng ba, gọi những hoài ức Hà Nội trong tôi là…
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ tôi thường cho con nghe, cho con xem chương trình truyện cổ tích Việt Nam. Thú thực mới ngày gần đây chính tôi thực sự biết về gốc tích của một thứ quê mùa hoa Gạo.
Chuyện kể rằng ở một bản nọ có chàng trai nghèo khoẻ mạnh, yêu cô sơn nữ xinh đẹp. họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung.
Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin người xem xét lại”.
Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc xao nhãng”.
Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin người giữ chàng trai này lại giúp thần làm mưa”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng trào ra.
Lại nói về cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng vi hành hạ giới. Biết chuyện, cảm kích cho tình yêu đôi lứa ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thoả nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu thắm nồng.
Nghe xong câu chuyện tôi mới hiểu vì sao hoa gạo thường hay được trồng ở bến sông, đầu nước hay bất kỳ một nơi nào để người đi xa có thể lấy đó như một dấu mốc trở về.
Trở về ư? Chẳng biết tự bao giờ, hay từ khi con đường là con đường, hoa gạo đã gắn liền với mùa xuân xứ Bắc. Ngôi làng nào cũng có một vài gốc gạo cổ thụ, mỗi năm khi xuân sang lại bung nở những cánh hoa đỏ thắm một thứ quê mùa. Hoa gạo không kiêu kì, nếu chỉ một vài bông thôi cũng chẳng đủ làm bầu trời nhớ thương nhức nhối. Nhưng hoa gạo mỗi khi nở là bung nắng, bung gió, chồi giục nụ, nụ giục hoa, hoa giục màu, hối hả và mê man, sắc đỏ như đèn của trời, như mắt của đất, như tình quê mộc mạc thấm tháp thời gian. Phải vậy chăng mà người đời gọi đó là Mộc Miên? Một thứ quê mùa như hoa gạo đã trở thành nỗi ám ảnh tháng ba, dịu dàng như người thôn nữ áo nâu tần ngần sắp đặt nơi thương chốn nhớ.
Hoa gạo là giống nòi thân thẳng như ước mong của người sơn nữ, gốc gác xù xì u bướu đến cả những cánh hoa cũng mập mạp dày dặn chẳng thoát nổi một dáng dấp kiêu sa. Vậy nhưng hoa gạo đã đi vào lòng thơm dạ thảo của những kẻ quê mùa như tôi ký ức về những miền trăng trên sông quê hay đơn giản chỉ là hẹn em ở chốn quê nhà.
Cuộc sống hiện đại khiến ruộng đồng làng quê và những kí ức tuổi thơ một cây duối vàng đói nắng cứ ngày một vơi đi như ly trà vối chưa kịp hít hà thơm mộc đã vội quyện khói lên bầu trời phù du. Hoa gạo vô tình hay hữu ý mà như người kể chuyện thời gian bằng hình ảnh, bằng sắc màu, bằng những yêu thương vụng về gom góp những thân thuộc ngày xưa trong một thứ quê mùa làm người ta đôi khi phải nhìn lại mình trong những sắc màu lung linh phố thị. Những đám hoa bừng lên như những đốm lửa gọi những ai đang bộn bề lo toan nơi nảo nơi nào trở về nơi yên ả thanh bình, trở về với tháng ba, trở về bầu trời của chính mình.
Buổi chiều nay, tôi trầm ngâm như bao buổi chiều tạc vào đăm chiêu nét mặt, tôi tự hỏi cổ tích có thực ngoài đời. Liệu trên thế gian này có người đàn ông nào nỡ lòng bỏ người đàn bà của mình để can tâm ở lại quyền uy, và liệu có người đàn bà nào Vọng Phu hóa đá hay chỉ đơn giản làm một cánh hoa làm một đốm lửa thắp lên giữa bầu trời mà nhân gian còn đắm đuối mộng mị lầm lạc vô thường. Có can tâm không hay cổ tích vẫn chỉ là cổ tích?
Trở về với thực tại, gạt bỏ những hoài nghi thế tục, tôi lặng vào tháng ba, buông bỏ những nhọc lòng. Hoa gạo thì vẫn là hoa gạo thôi, mộc miên thì vẫn là mộc miên thôi và bầu trời đỏ ối. Ai nhớ đường về? Ai quên đường về? Ai mua đường về? Ai bán đường về? Một thứ quê mùa có giúp tôi là chính tôi?